16 April 2024

Tưởng Nhớ Bà Nguyễn Đắc Điều (Đỗ Trung Pauline)

Đỗ Tiến Đức

Hôm nay chúng ta đến đây để tiễn đưa một người bạn mà chúng ta yêu mến rời bỏ chúng ta về miền vĩnh cửu. Cho nên ai cũng buồn. Từ nỗi buồn của người mất vợ, tới cái buồn của người mất mẹ, mất em, mất chị, mất bà... Và chúng ta buồn vì mất người bạn quý. Không ai chia được nỗi buồn cho người khác. Chúng ta đang chung một nỗi buồn với gia quyến anh chị Điều.


Với tôi, hồi trước 1975 ở Việt Nam, Ông Điều và tôi là đổng môn nhưng chưa đủ thân để trở thành bạn do đó lễ thành hôn của ông tôi không được có mặt nên không có dịp quen biết bà Điều. Tôi chỉ nghe các bạn đi ăn cưới nói cô dâu là con nhà giàu, du học Thụy sĩ, trong khi hầu hết dân QGHC đi xe gắn máy, lambretta, vespa thì nàng đã lái xe hơi và gia đình ở tại con đường đắt giá nhất Sài gòn.


Thế nhưng vào năm 1979 đi tù cải tạo về, tôi vượt biển, tới Los Angeles. Trong số những người bạn liên lạc với tôi sớm nhất là ông Nguyễn Đắc Điều. Ngoài chúc mừng tôi tới bến bờ tự do, ông còn hướng dẫn tôi về nước Mỹ. Và, hơn thế nữa, ông bao gia đình tôi chuyến đi chơi khu SeaWorld tốn kém. Ở SeaWorld tới chiều, gia đình tôi kéo tới nhà ông Điều, lúc đó tôi mới gặp bà Điều lần đầu.


Tình bạn giữa hai gia đình chúng tôi ngày càng thân thiết. Sau đó hai gia đình chúng tôi tổ chức “Sinh nhật Tháng Mười” chung vì ông bà Điều và tôi với các con tôi cùng sinh tháng Mười. Có lần chúng tôi tổ chức tại nhà hàng mời hàng trăm bạn hữu, có ban nhạc, có Từ Công Phụng, Thái Thanh và nhiều ca sĩ chung vui. Ngoài ra chúng tôi còn tổ chức “Họp mặt những con trâu” vì Điều và tôi và một số đồng môn tuổi con trâu như Bùi Bỉnh Bân, Lưu Văn Trang.


Theo thời gian, tôi được biết chị Điều và quý chị nhiều hơn. Khi tiệc tùng vui chơi, chị chỉ cười nhỏ nhẹ. Chị hiền lành, đôn hậu, tác phong của một người trí thức. Tôi chưa hề nghe chị lớn tiếng với ai. Nhưng khi đối diện những chuyện không vui, tôi thấy thoáng một vẻ kiêu hãnh trên khuôn mặt dịu dàng của chị.
   Với chồng, chị rõ ràng là một cái bóng sau lưng anh. Trong đám đông, anh hoạt bát, vui nhộn, rất thích khoe tài nấu nướng món ăn thì chị ngồi với bạn, nhỏ nhẹ như không rành bếp núc.


Một lần, truyện trò với anh về cái ti vi tôi mới mua, hình ảnh bị mờ. Anh nói ngay sẽ lên giúp tôi điều chỉnh antenne. Hai vợ chồng lái xe từ San Diego lên Los Angeles. Điều và tôi gặp nhau thì ôi thôi đủ thứ chuyện mà không nhớ tới vụ sửa antenne. Một lúc sau có tiếng chị Điều gọi. Hai thằng chúng tôi chạy ra sân thì tôi thật ngạc nhiên khi thấy chị Điều đã ở trên nóc nhà. Thì ra chị mới là người biết sửa antenne.Tôi khen chị. Được thể, ông bạn tôi khoe vợ: Bà ấy còn sửa điện nước trong nhà, sửa xe hơi, làm vườn ... Được đà ông chồng tốt này khoe hồi trẻ ở Sài gòn bà ấy còn thi bóng bàn, thi cầu lông, huy chương đầy nhà.


Một kỷ niệm đáng nhớ về chị đối với tôi là khi tôi rời nhà từ Los Angeles xuống Orange County. Tôi mua một cây hoa ngọc lan khá lớn nên không làm sao lấy cây ra khỏi chậu nhựa và đưa xuống lỗ đã đào sằn. Sau đó, vợ chồng tôi làm cơm mời nhóm bạn, trong đó có anh chi Điều. Trong khi chờ dọn bàn, các bạn ra vườn, hỏi về cây ngọc lan. Thế là bốn người đàn ông gồm anh Nguyễn Văn Ngân, anh Đoàn Danh Tài, anh Nguyễn Đắc Điều và tôi xúm vô, nhấc gốc cây ra khỏi chậu rồi đẩy xuống hố. Nhưng hết bàn cách làm thế này, tới làm kiểu kia vẫn không kết quả. Nghe bọn đàn ông chúng tôi um sùm, chị Điều bước ra hỏi chuyện. Nghe chúng tôi tường thuật, chị nói để chị thử xem sao. Các bạn biết không, chỉ vài phút sau, cây ngọc lan đã đứng thẳng dưới hố.


Chị khỏe như thế đấy nên tin chị qua đời khiến ai cũng sửng sốt. Cho đến bây giờ tôi mới nghe chị bị bệnh cả chục năm rồi nhưng chị âm thầm chịu đựng một mình. Mới đây, trong thời gian chị nằm trong bệnh viện, vợ chồng tôi muốn xuống thăm cũng không được. Chẳng những thế anh Điều còn dặn chúng tôi đừng cho ai biết chị đang nằm trong nhà thương.


Chị Điều ơi, người xưa nói con chim sắp chết, tiếng kêu bi thương. Mà sao chị sắp chết mà không có lời bi thương nào? Sự im lặng của chị trước định mệnh oan nghiệt đã làm trái tim tôi bão tố đấy, chị Điều...

Hồi ở quê nhà, sau 1975, hễ tiễn một người bạn vượt biên, chúng tôi tôi chào nhau vĩnh biệt vì nghĩ “hai chúng ta sẽ chẳng còn gặp nhau nữa trên cõi đời này”. Thế nhưng rõ ràng là chúng tôi lại gặp nhau nơi quê người.
   Hôm nay chị vượt biên. Và tôi nghĩ rằng biết đâu sẽ có ngày chị chào đón chúng tôi ở một miền nào đó như anh chị đã đón gia đình tôi khi tới Mỹ.
 

Tạm biệt thôi, chị Đỗ Trung, phu nhân bạn Nguyễn Đắc Điều.


Đỗ Tiến Đức




Hàng ngồi: anh chị Phạm tín An Ninh, anh Đỗ Tiến Đức.

Hàng đứng: anh Nguyễn đắc Điều, chị Đỗ Tiến Đức, chị Đỗ Trung Pauline, 
chị Đỗ kim Ngọc, chị Trương Dzu Chi.

(Hình chụp ngày 28 tháng 9 năm 2023)

05 April 2024

Khói Thuốc

Họ là hai người bạn đồng tù. Có thể không phải chỉ như vậy. Nhìn cung cách họ đối xử với nhau, bạn chỉ có thể hiểu đó là hai người bạn thân thiết từ trước khi bị tập trung "cải tạo".

Một buổi đẹp trời một trong hai may mắn có người nhà thăm nuôi. Dẫy nhà tù vách đất mái lá nằm sâu trong rừng. Những thùng quà người nhà mang tới thường nhẹ nhõm, không phải vì đường rừng xa xôi không thể mang nặng hơn mà thường là vì trong hoàn cảnh xơ xác góp nhặt được bao nhiêu quý bấy nhiêu.

Tối hôm đó người có quà thăm nuôi đến chỗ người bạn mình, đang nằm ngửa,  chân tréo chữ "ngũ", mắt hướng lên trời. Anh ngồi xuống bên cạnh, từ tốn lấy trong túi ra gói thuốc lá, rồi xé rút một điếu châm lửa. Người nằm kẻ ngồi, nhưng cả hai như đang sống trong cõi mộng. Điếu thuốc tàn, anh vẫn ngồi bên người bạn thêm giây lát. Họ vẫn không nói với nhau một lời. Anh nhẹ nhàng đẩy gói thuốc về phía người bạn, đứng lên đi về chỗ nằm của mình ở cuối lán./.

Điền Thảo

04 April 2024

Xin Hãy Ghé, thơ

Dạo:
     Hỡi người "du lịch" quê hương,
Có còn nhớ chuyện đau thương năm nào?
  
 
        Xin Hãy Ghé
 
Bạn lại bảo sắp về quê du lịch,
Và lần nào cũng thích thú như nhau,
Được chen chân vào những chốn "sang giàu",
Lòng thơ thới, chẳng bao giờ thấy chán!
 
Người như bạn, giờ nơi đây nhan nhản,
Đủ loại từ tỵ nạn đến di dân
Qua đường nhân đạo, qua ngả hôn nhân,
Hay may mắn được người thân bảo lãnh.
 
Bạn bảo bạn có tiền và quá rảnh,
Nên về quê ngoạn cảnh với vui chơi
Thật nhiều lần cho đầu óc thảnh thơi,
Để quên hết nhọc nhằn thời vượt biển.
 
Lâu lâu rải ra ít đồng "từ thiện",
Để người nghèo phải luôn miệng cám ơn,
Để thấy mình bỗng chốc "vĩ đại" hơn,
Rồi hể hả lơn tơn đi du lịch.
 
Bạn cứ việc làm điều gì bạn thích,
Chẳng còn ai dám chỉ trích bạn đâu,
Tôi chỉ xin nhờ bạn mỗi một câu:
Hãy thăm viếng trước sau giùm mấy chỗ.

                     *

Xin hãy ghé thăm đoạn đường khốn khổ,
Được đặt tên là Đại Lộ Kinh Hoàng,
Nơi dân lành xưa tay xách nách mang,
Bị Cộng pháo chết không toàn thân thể.
 
Xin hãy ghé, nếu có về qua Huế,
Thăm mồ chôn tập thể Tết Mậu Thân,
Nơi oan hồn vô tội của người dân,
Bao năm vẫn còn âm thầm kêu khóc.
 
Xin hãy ghé thăm chiến trường An Lộc
Để biết về trận đánh khốc liệt xưa,
Nơi hàng ngàn dân với lính sớm trưa,
Hứng đạn pháo như mưa rào tuôn dội.
 
Xin hãy ghé thăm nghĩa trang quân đội
Để thấy vô số tội của bạo quyền,
Đã say men "chiến thắng" đến cuồng điên,
Đập phá nát các đền đài bia mộ.
 
Xin hãy ghé Trường Thiếu Sinh Quân cũ,
Nơi vài trăm khóa sinh nhỏ hiên ngang,
Cuối Tháng Tư quyết chẳng chịu đầu hàng,
Liều sinh mạng để bảo toàn chính khí.
 
Xin hãy ghé thăm Cổ Thành Quảng Trị,
Nơi năm xưa, các binh sĩ can trường
Của miền Nam đã chẳng tiếc máu xương,
Giành lại được từ tay phường xâm lược.
 
Xin hãy ghé thăm Hoàng Sa, nếu được,
Để tỏ tường lòng yêu nước tận trung
Của Hải Quân với bao vị anh hùng
Đã dũng cảm giao tranh cùng lũ Chệt.
 
Xin hãy ghé tìm thăm nơi tuẫn tiết
Của năm vì Tướng trung liệt sắt son,
Theo gương xưa, quyết chẳng chịu sống còn,
Chọn cái chết để giữ tròn tiết tháo.
 
Xin hãy ghé thăm trại tù "cải tạo",
Nơi xưa kia bạn bị bạo quyền giam,
Bị đọa đầy hành hạ biết bao năm
Mới được thả về kiếm ăn xuôi ngược.
 
Xin hãy ghé thăm bến tàu ngày trước,
Nơi bạn tìm đường bỏ nước ra đi,
Dù lắm khi mất cả lưới lẫn chì,
Nhưng nhờ mãi kiên trì nên thoát khỏi. 
 
Xin hãy ghé thăm nhà giam tăm tối
Đã cầm tù bạn về tội vượt biên,
Để rõ thêm cái bộ mặt bưng biền
Của bè lũ cầm quyền đang đắc thế. 
 
Rồi muốn ghé chỗ học xưa thì ghé,
Nhưng chớ lầm gọi "Trường Mẹ", trường con,
Sau Bảy Lăm, "Trường Mẹ" đó đâu còn,
Sớm đã bị lũ cáo chồn cướp xác!  

                 *

Nếu chỉ biết toàn rong chơi chỗ khác,
Thì qua đây đừng mang rác tìm tôi,
Để khoe khoang cùng quảng cáo lôi thôi,
Rồi giở giọng cười chê tôi "ngoan cố".
 
Đừng ngụy biện bảo rằng về bên đó,
Cốt cho mình được biết rõ quê hương!
Sao ngày xưa phải van vái tứ phương,
Chui nhủi kiếm cho được đường bỏ xứ?
 
Quê hương cũ giờ đây còn đâu nữa,
Chỉ là nơi bầy quỷ dữ lộng hành,
Khiến triệu triệu dân lành
Luôn tiếc nhớ cảnh thanh bình thuở trước.
 
Kể từ Tháng Tư mất nước,
Quê nhà bước bước tang thương,
Vẫn văng vẳng đêm trường,
Tiếng than khóc từ đại dương vọng lại. 

                  Trần Văn Lương
        Cali, đầu Mùa Quốc Hận 4/2024

Khúc Ca Nắng Hạ, tranh A.C.La

24x24 in - Oil on canvas
by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh

"Giai Cấp Mới" Tại Việt Nam

Trần Trung Đạo

Milovan Djilas là nhà nghiên cứu lý thuyết CS và từng là ủy viên Bộ Chính Trị đảng CS Nam Tư, Phó Chủ Tịch Nhà Nước CS Nam Tư, Chủ Tịch Quốc Hội CS Nam Tư. Sau khi phản tỉnh ông viết trong tác phẩm Giai Cấp Mới: Một Phân Tích Về Hệ Thống Cộng Sản xuất bản năm 1957 như sau:  

“Trong một thời gian dài, đảng CS cố tình che giấu bản chất của mình. Quá trình hình thành của giai cấp mới không chỉ được che đậy bằng những thuật ngữ xã hội chủ nghĩa mà quan trọng hơn bằng hình thức sở hữu mới, sở hữu tập thể. …Bản chất giai cấp của hình thức sở hữu này được che đậy bằng bình phong quyền lợi của toàn dân tộc. “ (Theo Tủ sách Talawas, Phạm Minh Ngọc dịch theo bản tiếng Nga, 2005) 

Cũng trong tác phẩm Giai Cấp Mới,  Milovan Djilas viết:  “Năm 1936, nhân dịp công bố Hiến pháp mới, Stalin tuyên bố rằng ở Liên Xô đã không còn giai cấp bóc lột, nhưng trên thực tế người ta không chỉ thực hiện xong quá trình thủ tiêu các nhà tư sản và các giai cấp khác của chế độ cũ mà còn thiết lập một giai cấp hoàn toàn mới, chưa từng có trong lịch sử.”

Nhưng câu này của Milovan Djilas mới là chí lý: “ Các lãnh đạo Cộng sản xử lý tài sản quốc gia như của riêng họ, nhưng đồng thời họ cũng lãng phí nó như thể nó là của người khác.” (Theo quote.org)

Thời gian dài trôi qua từ khi tác phẩm ra đời nhưng bản chất của chế độ CS tại năm nước CS còn lại, trong đó có Việt Nam, vẫn đúng như Milovan Djilas nhận xét.

Chiến tranh Việt Nam chấm dứt gần nửa thế kỷ nhưng sự tiêu pha và lãng phí của giai cấp thống trị đã làm cho Việt Nam, một đất nước nhiều tiềm năng, thành là một nước nghèo so với tiêu chuẩn phát triển chung của thế giới. Trong suốt 47 năm qua, các thế hệ Việt Nam đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu để nuôi dưỡng giai cấp thống trị hoàn toàn không làm một việc gì hữu ích cho xã hội ngoài hút máu dân tộc Việt.

Như nhiều người biết hôm nay, dưới chế độ CS, khái niệm “nhân dân làm chủ” chỉ là một chiếc bình phong để  giai cấp  của những kẻ thống trị, có toàn quyền xử dụng tài sản của đất nước như của chính mình, cũng như có toàn quyền lãng phí tài sản đất nước như không phải của mình.  

Những nhận định của Milovan Djilas có thể áp dụng vào hai trường hợp mới vừa xảy ra, Nguyễn Thị Phương Thảo tặng 155 triệu bảng Anh và Tô Lâm ăn bò bít-tết ở nhà hàng của đầu bếp Thổ Nhĩ Kỳ Nusret Gökçe.

H: Bà Nguyễn Thị Phương Thảo

Như các báo loan tin, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, tỉ phú Việt Nam đồng ý tặng 155 triệu bảng Anh cho Linacre College, một trường nhỏ thuộc hệ thống Đại Học Oxford. Theo thông báo của trường, với số tiền lớn được tặng, ngôi trường đang mang tên học giả nổi tiếng Thomas Linacre có thể sớm đổi thành Thao College. Một số học giả Anh như giáo sư Đại Học Oxford Marie Kawthar Daouda phê bình ý định đổi tên trường từ Linacre sang Thao với lý do Thomas Linacre là học giả nổi tiếng trong thời đại ông và không nên thay chỉ vì một thương gia cho nhiều tiền. 

Việc tặng tiền cho một đại học là một nghĩa cử quen thuộc của những người giàu tại Mỹ, Anh cũng như các nước Tây Phương. Các tỉ phú Mỹ thường tặng tiền cho đại học, nhất là những trường mà họ xuất thân. Năm 2018, Michael Bloomberg tặng 1.8 tỉ dollar cho đại học Johns Hopkins tại Maryland.  

Điểm khác nhau chính là các tỉ phú Anh, Mỹ sinh ra và làm giàu trên một đất nước vốn đã giàu hàng đầu thế giới trong mọi lãnh vực, nhất là giáo dục. Theo The Center for World University Rankings  trong số 20 trường đại học tốt nhất thế giới có 17 trường là Mỹ, 2 là Anh và 1 là Nhật. Dò mỏi mắt xuống hạng 1,000 trường đại học được tổ chức này quan sát cũng không có một trường đại học Việt Nam nào. 

Theo cách lý giải và hành xử của một người bình thường nếu bạn có lòng vị tha để tặng thì bạn nên tặng cho những nơi thiếu thốn nhất, cho những người cần nhất. Giá trị và tác dụng của món quà nhờ đó sẽ cao hơn và ý nghĩa hơn là tặng cho những nơi đang đầy đủ. 

Mấy hôm nay, một làn sóng bất mãn, phê bình, mỉa mai, châm biếm bà Thảo đã “làm chuyện ngược đời”, “gánh củi về rừng”, “mua danh” v.v... Những người phê bình còn đưa ra những hình ảnh đau lòng của các em học sinh phải đu dây qua sông, bơi qua những khe nước chảy xiết, lội qua những con suối đầy đá nhọn để đến trường như một cách nhắc nhở cho bà Thảo thấy sự khác nhau giữa thực tế bi thảm của đất nước đã sinh ra bà và nền giáo dục hiện đại của Anh.  

Họ cho rằng lẽ ra bà Thảo nên dùng số tiền đó để xây những chiếc cầu, lẽ ra bà Thảo nên dùng số tiền đó để dựng trường học, lẽ ra bà Thảo nên dùng số tiền đó để cấp học bổng cho sinh viên học sinh nghèo và nhiều “lẽ ra” khác.

Những người phê bình bà Thảo tưởng là bà không biết. Không, chắc chắn bà đã thấy và đã biết nhưng thấy là một chuyện, biết là một chuyện, cảm thông với sự chịu đựng của nhiều triệu tuổi thơ Việt Nam nghèo khó hay không là chuyện khác.  

Là một tỉ phú, bà Thảo không muốn tên tuổi của mình gắn liền với một trường đại học dù lớn nhất Việt Nam nhưng vô danh trên thế giới.

Tướng Công An CSVN Tô Lâm ăn
thịt bò bít-tếch dát vàng

Chuyện bà Thảo chưa xong. Hôm 3 tháng 11 vừa qua các mạng internet chuyền nhau video tướng Công An CSVN Tô Lâm ăn thịt bò bít-tếch dát vàng trị giá hơn một ngàn dollar. Nhìn cảnh Tô Lâm há miệng to cho đầu bếp nhà hàng Salt Bae hay còn gọi "Thánh rắc muối" đút miếng thịt bò trông vô cùng kệch cỡm, ghê tởm làm sao.  

Ăn thịt là chuyện bình thường nhưng nhìn Tô Lâm ăn khó mà không tưởng tượng cảnh thú vật ăn thịt nhau trong phim động vật hoang dã. Đừng nói chi đang đại diện cho một nhà nước tại nước ngoài, một người lịch sự và tự trọng thường không làm vậy trong nhà hàng với nhiều thực khách chung quanh.  

Những người Việt giận dữ lại lần nữa trưng bày những hình ảnh đau thương của hàng triệu người Việt tìm đường về quê tránh dịch với những cảnh chết chóc, đói khát, cực khổ không bút mực nào tả hết như một cách nhắc nhở Tô Lâm về thực trạng Việt Nam. 

Theo họ, lẽ ra Tô Lâm nên biết ngay trong giờ phút ông đang  ăn nhiều triệu người dân không có một chén cơm trắng để ăn, lẽ ra Tô Lâm nên biết trên cả nước nhiều người vẫn còn chết hay đang chờ chết vì nạn dịch, lẽ ra Tô Lâm nên biết hàng triệu trẻ thơ Việt Nam đang thiếu sữa trong tháng Mười lũ lụt này, và lẽ ra Tô Lâm không nên rắc muối lên vết thương của họ như anh chàng đầu bếp rắc lên miếng thịt bò mà Tô Lâm đang nuốt.

Chắc chắn là Tô Lâm đã thấy và đã biết nhưng giống như bà Phương Thảo, thấy là một chuyện, biết là một chuyện, cảm thông với sự chịu đựng của đồng bào hay không là chuyện khác. 

Milovan Djilas viết về bản chất, nguồn gốc lịch sử hình thành nên giai cấp mới, nhưng ông có thể đã sót một đặc điểm quan trọng, “giai cấp mới” còn gồm những con người ích kỷ, vô lương tâm và vô cảm. 

Lấy Trung Cộng, nước CS đàn anh của CSVN làm ví dụ cho chính xác với điều kiện kinh tế. Bản chất giai cấp là lý do Trung Cộng mặc dù có nhiều tỉ phú hạng thứ hai trên thế giới sau Mỹ nhưng là nước được tổ chức Charities Aid Foundation xếp vào hạng ích kỷ nhất thế giới trong nhiều năm.  

Năm 2019, Trung Cộng đứng hàng 126 trong số 126 quốc gia được tổ chức quốc tế này quan sát. Charities Aid Foundation kết luận “Trung Quốc là quốc gia duy nhất đứng hạng tệ hại nhất trong cả ba tiêu chuẩn gồm tình nguyện, giúp đỡ người khác và đóng góp hiện kim.” Trung Cộng còn đứng sau cả Congo, Palestine, Yemen, những dân tộc triền miên trong chiến tranh và nghèo khó.

Nguyễn Thị Phương Thảo là sản phẩm của ý thức hệ CS nên đừng trách tại sao bà không rộng lượng với đồng bào mình mà dùng tiền đi mua danh một cách kệch cỡm đáng khinh.  

Hôm qua, 6 tháng 11, 2021, tờ Daily Mail của Anh tố cáo bà Nguyễn Thị Phương Thảo và chồng không chỉ cấu kết với giới lãnh đạo của “chế độ CSVN thô bạo” mà còn có quan hệ với cả chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình. 

Nguyễn Thanh Hùng chồng Nguyễn Thị Phương Thảo cùng Tập Cận Bình

Những đồng bạc, dù một đồng hay một tỉ, có được do cấu kết với những kẻ gây nên tội ác chống lại con người trong trường hợp này là đảng CSVN, sẽ không được xem là đồng tiền chính đáng. 

Đặc tính không chính đáng của đồng tiền thể hiện rất rõ nét và rất dễ nhận ra tại Việt Nam. Hãy nhìn vào những biệt thự nguy nga mà “giai cấp mới” này sống so với những túp lều không vách của đại đa số trong 97 triệu người dân để thấy khoảng cách trời vực giữa hai tầng lớp người trong cùng một đất nước. Một chính phủ có 110 thứ trưởng, 201 phó chủ tịch tỉnh và hàng ngàn vụ trưởng. Mục đích của bộ máy hành chánh cồng kềnh này chẳng qua là để hợp thức hóa vai trò của các cán bộ đảng, để qua đó chúng được chính thức lãnh lương, chính thức ăn hối lộ, chính thức tham ô và tham nhũng. 

Tham nhũng dưới chế độ CS không phải phát xuất từ bản chất tham lam của một số người ở đâu cũng có thể có. Tham nhũng tại Việt Nam có tính đảng vì chính đảng CS tạo môi trường cho tham nhũng sinh sôi, nuôi dưỡng tham nhũng lớn và tạo điều kiện để tham nhũng hoành hành. 

Đối diện với tầng lớp cai trị, bộ máy tuyên truyền và bạo lực trấn áp khủng khiếp và thường trực của chế độ CS đã biến phần lớn trong số 97 triệu người Việt còn lại thành một tầng lớp chỉ biết phục tùng. 

Sự chịu đựng của nhiều triệu đồng bào trong mùa dịch vượt qua ngoài định nghĩa của khổ đau, bất hạnh và sợ hãi. Dù “mắt kẹt” ở Sài Gòn hay tìm cách về quê họ đều phải đối phó với những khó khăn chưa từng có trong đời. 

Nhưng khác với Đông Âu trước đây hay Cu Ba mới đây, không có cuộc biểu tình nào ở Sài Gòn, không có chống đối nào trên đường đi dù có người phải đi bộ 500 cây số hay như anh thợ hồ Hồ Tám đi bộ 1000 cây số  từ Trà Vinh để về Huế trên vai vỏn vẹn một thùng mì gói.  

Họ không bao dung nhưng đã mất hết khả năng chống đối. Trời hành họ còn biết kêu trời nhưng đảng hành thì không ai dám kêu đảng. Nhà tù đang chờ họ. Trấn áp đang chờ họ. Chết đói, chết khát đang chờ họ. Bộ máy kìm kẹp của đảng CS siết chặt đến mức làm tê liệt ý thức phản kháng của con người. Họ lầm lũi đi như đoàn nô lệ da đen sau nội chiến Mỹ đi tìm một nơi để gọi quê hương. 

Hàng triệu người dân hôm nay có thể đã trở về trong căn nhà trơ trọi và bên ngoài mùa mưa đang đến, nước lụt đang dâng. Họ sẽ sống ra sao trong những ngày tháng tới. Có tiếng than, tiếng khóc nửa đêm nhưng tuyệt nhiên không có tiếng trả lời hay an ủi. 

Nhưng một mai, khi đại dịch qua đi, những người dân bất hạnh kia lại sẽ vào thành phố tìm đường sống vì không còn gì để sống trên nơi chôn nhau cắt rốn. Và cứ thế, cuộc đời của tầng lớp người bị trị tại Việt Nam sẽ bị vùi dập trong trầm luân thống khổ cho đến chết.

Trước nỗi bất hạnh của dân tộc Việt, ai là người biết đau và ai sẽ là người biết nhục? Nguyễn Thị Phương Thảo ư? Tô Lâm ư? Không. Nếu biết đau và biết nhục bà Thảo đã không đem tiền để mua cái tên trường ở một đất nước xa xôi bỏ mặc cho nhiều triệu trẻ em Việt sống trong những điều kiện học hành tệ hại nhất thế giới. Nếu biết đau và biết nhục, ông Lâm đã không há miệng to để được đút ăn trong lúc một phần không nhỏ của đất nước không có ngay cả gói mì để ăn.  

Những người biết nhục không phải Nguyễn Thị Phương Thảo, Tô Lâm, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc mà là những con người Việt còn có một lương tâmViệt Nam dù ở ngoài guồng máy hay vì lý do riêng phải tạm thời ở trong guồng máy. 

Cách mạng dân chủ tại các nước cựu CS cho thấy, chính những người biết đau và biết nhục đã làm thay đổi vận mệnh đất nước họ. Khác nhau về thời gian và thời điểm nhưng Việt Nam cũng vậy. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh nhiều lần trong hoàn cảnh dù đen tối bao nhiêu vẫn còn có những người biết đau và biết nhục. Lần nữa trong tương lai, chính những người biết đau và biết nhục sẽ thay đổi vận mệnh Việt Nam.

07/11/2021
Trần Trung Đạo 
(Nguồn: Người Việt Online)

28 March 2024

Người Vợ Của Tù Cải Tạo VC

Tác Giả - Trần Thanh Minh

Tôi trở về nhà với một thân xác rã rời, một đầu óc rỗng không, biếng ăn, mất ngủ, chả nói năng gì, mắt mở to mà không nhìn thấy gì. Tôi đã phải ra, vào nhà thương Chợ Quán mấy lần. Rất may cho tôi và các con là lúc đó tôi có một cô em và một người bạn lo lắng và chăm sóc mẹ con tôi tận tình.

Vài tháng sau, tôi nhận được 2 thùng quà trả lại với hàng chữ “Người nhận đã chết. Trại yêu cầu hoàn.” Đến bưu điện lĩnh 2 gói quà xong, vừa ra 
đến cửa tôi lại ngất đi. Rất may có anh bạn hàng xóm đạp xe xích lô đang chờ để chở tôi về nhà. Tới bữa ăn, nhìn bốn đứa con ngồi ăn ngon lành với tóp mỡ ngào đường và nước mắm, quà của bố trả lại, nước mắt tôi lại chảy như mưa. Rồi tới gần cả năm sau, phường trưởng mới cử đại diện đến chia buồn và đưa cho tôi biên bản “phạm nhân chết”.

Nhờ mảnh giấy này mà mẹ con tôi mới được đi Mỹ theo diện HO. (Tôi vẫn còn giữ mảnh giấy này, xin gửi kèm theo đây để mọi người biết “tội ác” của chồng tôi!) Can tội: Giảng viên tâm lý chiến xã hội học Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. "Án phạt tù: 3 năm"; nhưng khi chết đã 3 năm 7 tháng. Nếu họ giữ đúng lời nói chắc chồng tôi không thể chết trong tù.

Thế là xong, là tuyệt vọng cả đời. Lúc đó tôi sống cũng như chết rồi, nhưng vì bốn đứa con nhỏ, chúng đâu có tội tình gì. Bên nội bên ngoại ai cũng muốn nuôi dùm 1, 2 đứa nhưng tôi không thể nào chịu được nếu để một đứa con xa tôi. Tình thương con đã thắng cái “điên” của tôi để lo lắng cho chúng nhưng với phường khóm thì tôi thật là một “mụ điên dữ dằn”. Tôi không chịu đi họp tổ, họp phường gì cả. Công an khu vực tới tận nhà bắt đi họp. Tôi nói: “Người mà các anh thấy có tội là chồng tôi thì anh đã chết rồi, tôi và 4 con nhỏ không còn gì phải họp với hành nữa”.

Lúc trước mình ngu nên cứ tin là phải họp hành cho tốt thì họ xét cho chồng về sớm. Nay tôi không còn gì để sợ nữa thì họ lại để tôi được yên thân.

Tôi bắt đâu tính chuyện vượt biên, mấy mẹ con dắt díu nhau đi tìm đất hứa không biết bao nhiêu lần. Hết đi từ Nhà Bè, Vũng Tàu, Mỹ Tho đến Rạch Giá, Sóc Trăng nhưng đều không thoát, ở tù cũng mấy lần. Xuống ghe ra biển lại thấy hối hận vì thương con, chưa thấy thoát mà chỉ thấy chết tới nơi. Bị bắt tù đày thì lại càng hối hận hơn vì các con không có thức ăn, nước uống chỉ có một ca nhỏ. Trong trại chỉ có 1 cái ao tù, ăn cũng đó mà tắm giặt cùng nơi. Bẩn thỉu không thể tả cho nên trẻ con không bị đau bụng ỉa chảy thì cũng ghẻ lở ghê hồn. Tôi sợ quá đến không dám nghĩ đến đi nữa. Phải cậy nhờ xin đi dạy lại dù biết là nhà giáo chỉ húp cháo thôi. Nhưng dù sao đi nữa cũng còn có chỗ để mua “nhu yếu phẩm” và được “thầu” để bán quà cho học trò trong trường.

Thời gian này tạm ổn định, lo cho các con tới trường cũng phải chạy chọt vì “nhất thân, nhì thế” của xã hội lúc bấy giờ. Phận mình thì xong rồi, bạn bè tôi còn rất nhiều có chồng đang tù tội. Thỉnh thoảng chúng tôi họp nhau để “lá rách nát đùm lá tả tơi” đứa nào có thứ gì cho tù ăn được thì mang tới gom lại để chia cho những bạn sắp đi thăm. Trong cái tình đó tôi lại thấy được nhiều sự đau khổ mà người vợ tù phải chịu đựng nhục nhằn mà không ai có thể chia xẻ với họ. Chẳng hạn như một chuyện rất thật của một người bạn thân của tôi, chúng tôi đã chia sẻ từng bó rau muống từng chén nước mắm “muối + nước màu” cho các con ăn. Từng viên đường thẻ để mang vào tù cho chồng. Chỗ chồng bạn tôi ở lại có “nhà hạnh phúc” và các anh tù phải làm việc thật tốt thì cán bộ mới cho phép gặp vợ tại đó. Lẽ dĩ nhiên chồng bạn tôi làm khổ sai cật lực để được ân huệ đó. Chị cũng là một cô giáo, sống rất đạo dức và thành tín, thương chồng vô cùng, nhưng khi vào thăm đã thấy “nhà hạnh phúc” có mấy cái chõng tre và mấy anh cán bộ ngồi canh. Chị đã không thể “cho anh” và điều này đã khiến anh nổi giận nghĩ là chị đã có “ai khác” ngoài đời. Chị đã bị anh chửi bới tơi bời còn gì thê thảm hơn nữa không? Thời gian đã qua tôi hy vọng anh đã thông cảm với chị về cái “không thể cho anh” đó. Mặc dù giờ thì anh chị cũng đã xa nhau, thật là một điều rất đáng tiếc.

Lại thêm một cô bạn láng giềng, may mắn có ông chồng được thả về sau bảy năm tù tội. Những tháng ngày trong lao tù khiến con người cũng thay đổi nhiều lắm. Dễ nóng giận và mặc cảm đầy mình. Một hôm cô bạn tôi được nhà nước cho mua một khúc vải may quần với giá rẻ dành cho các công nhân viên nhà nước. Cô mang về khoe nói là bán đi sẽ lời được sáu ngàn đồng. Ông chồng lại muốn may để mặc vì ông ta thấy cũng cần phải có một cái quần mới. Bạn tôi ngần ngại nửa muốn cho chồng may, nửa muốn bán đi để thêm tý tiền lo cho gia đình nên nói với chồng: “Khúc vải này sáu ngàn lận đó anh.” Chưa nói dứt lời là bạn tôi bị một cái tát tai choáng váng mặt mày, sự việc xảy ra quá sức tưởng tượng của mọi người. Anh chồng rất hối hận về hành động vũ phu của mình; tuy nhiên anh vẫn đổ lỗi cho bạn tôi cái tội “coi cái quần hơn chồng”. Đó lại là một trong muôn ngàn cảnh ngộ trớ trêu của vợ tù "cải tạo".

Thắm thoát đã qua bảy năm lúc này cuộc sống mấy mẹ con tôi đã dễ thở vì chị em bạn bè ở ngoại quốc đã bắt đầu gửi tiền về cứu trợ. Tôi được mẹ chồng cho theo đi để bốc mộ Anh. Tâm trạng tôi thật rối bời và lo sợ liệu bốc lên có phải là Anh không hay lại là mồ của ai khác?!! Trên đường đi cũng không kém gian nan cực khổ như khi đi thăm nuôi tại Kà Tum.

Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi mới biết bốc mộ là gì và nhất là thấu hiểu được câu nói “cát bụi trở về với cát bụi”. Thịt da đã tan vào với cát, chỉ còn bộ xương trắng mà các bạn anh đã từ từ cầm lên từng cái đầu, xương vai, xương cổ ống tay ống chân, và ngay cả những đốt xương nhỏ họ cũng mò tìm cho đủ. Một sợi dây làm bằng giây thép nhỏ, cái mặt làm bằng kính máy bay có hình dáng 2 người đứng bên nhau đã được anh bạn lấy lên trao cho tôi và nói chính chồng tôi đã làm để tặng cho tôi khi nào tôi lên thăm gặp mặt. Anh đã phải cất giấu bao ngày vì nếu "cán bộ" thấy là bị tịch thu ngay. Rất may là có mẹ tôi và người cháu lo lắng lấy rượu rửa xương rồi quấn vào vải bỏ vào trong một cái bị to để chúng tôi mang về . Còn tôi ngồi chết cứng với nước mắt rơi sầu tủi. Xót thương anh!

Trên đường về mới gặp toán người thăm nuôi. Gặp cô bạn cũng đi với mẹ già, đang chuyển quà từng khúc một, tôi chạy lại đỡ một tay. Khi tôi dắt bà cụ qua một người tù đang cuốc đất dưới ruộng, ngẩn nhìn và khẽ gọi mẹ. Tôi quay lại giúp cô bạn còn vài giỏ đồ ăn, chúng tôi vừa đi ngang thì lại nghe anh ta gọi “em Liễu”. Cô bạn tôi nghe tên, ngoảnh mặt lại nhìn và lại bỏ đi luôn. Chạm mặt nhau rồi mà Liễu vẫn không nhận ra. Tới khi anh ta quên cả sợ "cán bộ", chồm lên đường kêu “Liễu. Anh đây”. Lúc đó bà cụ cũng đã trở lại và nhận ra con, cụ khóc oà ôm lấy anh tù, còn Liễu cũng khóc nhưng la “Không phải anh mà, không phải anh đâu”. Người chồng yêu quý vì tháng năm đói khổ phải ăn khoai mì nên mặt anh ta biến dạng vì quai hàm bạnh ra và nhựa độc của khoai mì làm cho tất cả tù nhân đều có cái mặt vuông gần giống nhau cả. Tôi cũng không cầm được nước mắt lại nghĩ rằng chắc chồng tôi còn sống thì mặt mũi cũng chỉ như vậy mà thôi.

Từ trại về chỉ có độc nhất một chiếc xe đò, mọi người ngồi chật cứng trong xe, còn có nhiều người phải đứng bám vào cửa xe rất là nguy hiểm. Mẹ con tôi về đến ga Vinh là trời đã tối, lại ôm cồng kềnh một cái bị hài cốt của chồng tôi. Ngồi sân ga đợi tàu rất là nguy hiểm vì mẹ con tôi ngơ ngác với xứ lạ quê người. Mẹ tôi phải lấy dây buộc cái bị và cuốn quanh người. Chỉ sợ lỡ mất đi thì khổ lắm. Tôi hồi hộp sợ hãi còn hơn khi đi vượt biên nữa. Tôi đánh liều vào nhà nghỉ mát của nhân viên xe lửa. Sau một lúc nói chuyện gây cảm tình và nhờ có “thủ tục đầu tiên” (xin trả tiền trước) nên mẹ con tôi được vào tạm trú qua đêm yên lành. Sáng hôm sau cũng nhờ có ông "quản lý" nhà nghỉ đó mà chúng tôi được lên tàu ở trong toa xe của các nhân viên đi nghỉ mát. Tôi phải tin tưởng là chúng tôi đã có ơn trên che chở nên đã mang thoát được bộ xương của chồng tôi về đến nơi đến chốn. Vì nếu không được ở trong xe đó chắc chắn chúng tôi không thể thoát khỏi xự khám xét trên tàu. Họ phát giác ra là có xương người là lập tức đuổi chúng tôi xuống giữa rừng hoặc quăng bỏ mớ hài cốt đó. Sau đó lại nằm xuống với nước mắt trào ra không thể ngăn nổi vì nhớ thương anh và tủi phận mình đơn độc.

Hiện tại thì chồng tôi đã được yên nghỉ tại nghĩa trang Thiên Chúa Giáo ở Bình Dương. Nhưng cũng không biết được bao lâu nữa vì họ còn tính dẹp cả nghĩa trang mặc dù đó là đất tư mà gia đình tôi đã phải mua bằng những cây vàng lúc họ dẹp nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ngay trong thành phố Saigon.

Bốn mẹ con tôi xuống phi trường Dulles vào một buổi tối mưa tầm tã của tháng 6 năm 1994. Được gia đình cô em ra đón, tôi mừng quá nhưng vẫn chưa hết lo sợ, không biết đây là thật hay mơ. Nỗi ám ảnh bị bốc đi vùng kinh tế mới và sự không nói có, có nói không của nhà nước công sản đã khiến tôi mất hết niềm tin. Tôi chỉ còn biết cầu Đức Mẹ ban cho tôi một phép lạ.

Chúng tôi cố gắng học hỏi để hoà nhập vào cuộc sống mới ở Mỹ. Nay các con tôi đã lớn, đã thành đạt và rất hiếu thảo. Chúng hết lòng lo lắng, chăm sóc tôi. Tôi thật mãn nguyện, nhưng tôi biết tôi không thể ôm giữ chúng mãi được. Chúng phải có cuộc sống riêng, hạnh phúc riêng. Dù biết vậy, nhưng mỗi khi chúng vắng nhà, còn lại một mình tôi, tôi lại thấy sợ hãi. Những năm tháng khổ cực, hãi hùng của thời dĩ vãng lại kéo đến ám ảnh tôi. Hình ảnh chồng tôi lúc oai hùng, mạnh mẽ trong bộ quân phục, lúc rách nát, tả tơi, thoi thóp trên chõng tre lại chập chờn quanh tôi. Tôi đã thì thầm với anh: “Đợi em đi cùng!” Vâng, tôi ước mong được sớm ra đi bình yên dể được xum họp với chồng tôi. Chúng tôi chỉ mới được hưởng hạnh phúc gia đình có 4 năm 5 tháng. Tôi chắc chồng tôi cũng nuối tiếc như tôi và đang chờ tôi đi với anh. Chúng tôi phải nối tiếp lại những ngày hạnh phúc ngắn ngủi xa xưa. Tôi không thể sống mãi trong cô đơn để run sợ trước những ám ảnh của dĩ vãng và những nhung nhớ khôn nguôi người chồng mà tôi mãi mãi yêu thương như buổi đầu gặp gỡ.

Kính tặng Giáo Sư Tố Lan, người đã cho tôi can đảm để thực hiện bài viết này.

Trần Thanh Minh 02/18/2016

Tiếng Việt Thời Nay

Nguyễn Văn Tuấn
19.03.2024

Hôm nay, tôi nhận được một email của một người Sài Gòn mở đầu bằng chữ “Kính gởi …” (thay vì ‘kính gửi’). Mát dạ ghê nơi! Và, làm tôi có cảm hứng thổ lộ vài tâm tình về tiếng Việt ngày nay.

Tôi là người lớn lên với Tiếng Việt thời trước 1975, tức là Tiếng Việt trong Tự Lực Văn Đoàn của những Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, v.v…Đó cũng là tiếng Việt của các tiền bối như Hoàng Xuân Hãn, Phạm Quỳnh, và sau này là Mai Thảo cùng nhóm tạp chí Bách Khoa lừng danh một thời. Đó cũng chính là Tiếng Việt thời 1945 và sau này được gìn giữ ở trong Nam.

Thời đó, chúng tôi nói và viết Tiếng Việt theo thứ tự tự nhiên. Chẳng hạn như chúng tôi được dạy là 'hôi thúi' (hay 'hôi thối') vì một vật thể khi bị chết đi, nó đi từ 'hôi' mới đến 'thúi.' Chúng tôi nói 'khai triển' (khai trương rồi mới phát triển). Các thầy dạy cho biết đó là cách nói của người Việt được coi là thuận với thiên nhiên.

Do đó, ngày xưa, Tiếng Việt chúng ta được cấu trúc theo công thức tự nhiên đó. Có thể tìm thấy những chữ thường ngày như: bảo đảm, đơn giản, thành hình, khai triển, ít nhiều, v.v…

Thế nhưng sau 1975, những chữ đó đột nhiên bị đảo lộn thành: đảm bảo, giản đơn, hình thành, triển khai, nhiều ít, v.v…Những chữ này có cùng nghĩa như những chữ trên, nhưng nó chỉ đảo ngược cách nói/viết.

Tại sao có sự đảo ngược này?

Câu trả lời đơn giản là do Tàu hóa. Thật vậy, rất nhiều chữ sau này được dùng theo cách dùng của người Tàu. Chẳng hạn như người Tàu hay nói ngược với chúng ta. Thay vì nói 'bảo đảm', họ nói 'đảm bảo'. Chúng ta nói 'khai triển', họ thì 'triển khai'. Vân vân.

Thật ra, những chữ như 'bảo đảm', 'khai triển', 'đơn giản', v.v… đều xuất phát từ chữ Hán. Nhưng các vị tiền bối chúng ta nói ngược với họ, có lẽ một phần là theo lẽ tự nhiên, và quan trọng hơn là không bị Tàu hóa.

Tiếng Việt ngày nay rất ư là hỗn tạp và phức tạp. Hỗn tạp là thứ lai căng (như ‘tuổi teen’), và phức tạp là làm cho tối nghĩa (ví dụ như ‘một cá thể trâu’). Mới đây còn có 'topping' nữa chứ! Loại tiếng Việt này làm đau đầu những người thuộc thế hệ tôi, và làm nhói tim những ai còn quan tâm đến sự trong sáng của tiếng Việt.

Hôm qua, cô tiếp viên sau khi tính toán tiền ăn xong rồi nói:

"Dạ, phần của mình là 56 ngàn ạ".

Tôi muốn ghẹo cô ấy, nên giả bộ hỏi "'mình' là ai vậy con?" Cô ta bẽn lẽn nói "Dạ, con quen miệng ạ". Tôi lại chọc: Người miền Nam không nói "ạ".

Rồi còn những cách dùng sai nghĩa nữa, mà tiêu biểu là 'liên hệ' và 'liên lạc'. Chẳng hiểu từ đâu mà ngày nay ở trong nước ai cũng dùng chữ 'liên hệ' theo ý nghĩa contact của tiếng Anh. "Anh cần thêm bất cứ điều gì, cứ liên hệ qua số điện thoại ...". Đáng lý ra phải là 'liên lạc'.

'Liên hệ' theo tôi hiểu là quan hệ huyết thống, máu mủ ruột thịt trong gia đình, tiếng Anh là 'relate'. Còn 'Liên lạc' có nghĩa là tiếp xúc giữa các cá nhân, tiếng Anh là 'contact'. Rõ ràng như vậy, mà chẳng hiểu sao đi đâu cũng thấy 'liên hệ'. Tôi nghi là cũng do Tàu hóa mà ra.

Lại nói đến chữ 'khả năng' cũng bị đổi nghĩa. 'Khả năng' có nghĩa là năng lực để làm một việc gì (tiếng anh là capacity). Vậy mà ngày nay người ta dùng chữ 'khả năng' theo cái nghĩa 'có thể' (probable): 'Chiều nay trời có khả năng mưa'. Trời ơi! Sao không nói "Chiều nay trời có thể mưa"? Lại một cách Tàu hóa?

Khó ưa nhứt là chữ ‘Việt Kiều’. Tôi nghĩ giới báo chí không chịu tìm hiểu nghĩa nên dùng chữ không đúng. ‘Kiều’ có nghĩa là người ngoài đến sanh sống nơi mình cư trú. Do đó, chúng ta mới có Hoa Kiều, Pháp Kiều. Tôi là người Việt về thăm quê thì mắc mớ gì mà gọi tôi là ‘Việt Kiều’? Đáng lý ra nên gọi là ‘Kiều Bào’.

Chói tai nhứt là nghe cách đánh vần ngày nay. Lúc nào cũng Bờ Cờ Sờ ... nghe thiệt khó vô. Đó là cách phát âm đánh vần thời Bình dân Học vụ (thời 1930-1940) để giúp cho người mù chữ làm quen với chữ cái trong tiếng Việt, chớ đâu phải cách đánh vần chánh thức. Đâu có ai dùng nó để chỉ A Bê Xê (ABC) đâu. Các nhà ngôn ngữ học cũng đã nói cách đánh vần Bờ Cờ Sờ là sai. Vậy mà ngày nay trên đài truyền hình, đài phát thanh oang oang Bờ Cờ Sờ!

Có lần tôi thấy sốc khi nghe một đồng nghiệp Pháp nói với tôi rằng tiếng Pháp ở Paris ngày nay là loại hỗn tạp, còn tiếng Pháp ở Québec (Canada) mới là ‘chuẩn’. Chẳng biết nhận xét đó đúng hay sai, nhưng tôi có cảm giác nó hợp với tiếng Việt ngày nay: Tiếng Việt ở hải ngoại mới chuẩn hơn tiếng Việt ở trong nước./.

25 March 2024

Cách Chữa Ác Mộng, thơ xả xú-bắp

Bác sĩ tâm thần và Người pha rượu

Một ông ngồi ở quán ‘bar’,
Mím môi, bóp trán, tỏ là băn khoăn.
Ông pha rượu thấy, hỏi rằng:
“Chuyện gì đến nỗi ông căng thế này?”
 
Nhìn lên, ông đáp lại ngay:
“Thường thì tôi ngủ rất say, ông à.
Gần đây ác mộng thường là ,
Một con quái vật hiện ra gầm giường.”

Ông ngồi bên cạnh nghe, thương:
Bệnh này dễ chưa, tôi thường gặp luôn.
Tôi là bác sĩ tâm thần
Tôi giúp ông được, ông cần gặp tôi.”

Vài lần là hết bệnh thôi.
Đây là danh thiếp của tôi, ông à.”
Rồi, vài tuần lễ trôi qua
Hai người lại đến quán ‘bar’ thả hồn.

Bác sĩ hỏi ông kia luôn:
“Những cơn ác mộng của ông sao rồi?
Ông không hề đến gặp tôi
Mong rằng quái vật đã rời giấc mơ.” 

Ông kia: "Tuyệt thật, không ngờ!
Ông pha chế rượu bầy cho thế này:
Bốn chân giường, vất đi ngay.
Tôi về cắt bỏ, ‘bái-bai’ chân giường.

Thế là quái vật biến luôn.
Hôm nay tôi đến cám ơn, ông à.”
Bác sĩ nghe vậy: “À, a....
Thế mà tôi chẳng nghĩ ra cách này.”

TNT
3/24/2024


Người Hạ Sĩ Nhứt

Nguyễn Vô Danh

Mọi chuyện dường như là có sự sắp đặt. Trong cuộc đời tui, bao nhiêu lần vào sanh ra tử, cứ tưởng là sắp đi thăm ông bà ông vải, nhưng lại chưa. Bà xã, thỉnh thoảng vẫn chọc quê, "Nghèo mà ham; anh tưởng muốn đi là đi hả? Tui chưa cho anh đi thì hổng được đi đó. Nghe chưa?" Chuyện tình duyên thì cũng rụp, rụp, rụp - ý tui muốn nói là suôn sẻ đó. Còn chuyện người anh kết nghĩa thì như trên trời rớt xuống. Đúng là người tính hổng bằng Trời tính mà. ..Tía tui hay nói như dzậy.

Kể xa kể gần hổng bằng kể thiệt. Tui là con một trong gia đình nông dân nghèo. Nghe Má kể lại thì lúc được một tuổi rưỡi, tui bị bịnh phát ban gì đó, mà hai thầy thuốc Nam trong miệt cồn Dừa (tỉnh Phong Dinh) này đều bó tay. Tía bằng lòng bán miếng ruộng duy nhất của gia đình để có tiền đưa tui lên Sài Gòn chữa bịnh, nhưng đường đi quá cực khổ, và có thể tui sẽ chết trên đường trước khi tới nhà thương, thành ra lại phải quay trở về khi đi chưa được một phần năm đường. 

Hổng lẽ ngồi khoanh tay nhìn con mình chết, Tía nghe người ta mách hái mấy lá gì đó trộn với sả nấu cho tôi uống. Uống xong, nghe Má kể lại, tôi giựt giựt mấy cái rồi nằm xụi lơ, rồi ngủ luôn 2 ngày. Khi tui thức dậy, Má khóc quá trời vì quá mừng. Qua được cơn bịnh này thì tui hơi chậm lớn và cũng hơi chậm nói - nghe Má nói như dậy. Giờ ngồi nghĩ lại thấy thương ổng bả quá trời. 

Khi được 5 hay 6 tuổi tui hay lẽo đẽo theo Tía ra đồng , coi dùm Tía mấy cái cần câu trong lúc ổng làm ruộng. Ngồi hổng có gì làm, tui thường lượm gạch đá để chọi chim, rắn hay chuột đồng. Nhiều hôm tui chọi trúng được vài con chuột hay chim đem về cho Má nướng. Còn cá trê Tía câu,  Má kho tiêu ngon lắm. Thỉnh thoảng Tía uống rượu đế với mồi cá kho tiêu, và khi uống rượu Tía nói nhiều hơn mọi ngày. Phải nói là cuộc sống khá êm đềm.

Tới 8 tuổi tui mới đi học, nhưng tui học dở lắm, chắc là tại quá ham chơi. Khi rảnh tui chặt cành có chảng 3 làm ná bắn chim (thay vì chọi đá như hồi nhỏ). Tui cũng hay chơi bắn bi với tụi nhỏ hàng xóm. Phải nói là tui dùng ná rất giỏi vì ngày nào tui cũng đem chim, vịt trời hay chuột về cho Má làm đồ ăn. Khi bắn bi cũng vậy, tụi bạn thua tui dài dài, thành ra có tiền mua bánh tráng, xôi với “cà lem” ăn. Chỉ có học là tui dở thôi. Học đó rồi quên đó. Phải học lớp Năm đến 2 hay 3 lần mới được lên lớp 6.

Có lần tan học, trên đường về, tui đi vào vườn mía đỏ bỏ hoang (thân mía màu ưng , tím đỏ hồng, mềm và ngọt khỏi chê luôn). Muốn được mía lớn tui phải đi tuốt vô trong sâu lựa cây ngon. Đang kéo chiến lợi phẩm ra, thì tui thấy đau điếng dưới chân.Nhìn xuống thì trời ơi, một con trăn bự đang cắn chặt vô cái bắp chuối. Tui cố kéo chưn ra nhưng hổng xong vì con trăn mạnh quá. Thân nó trườn tới và nhanh chóng quấn luôn chân kia. 

Biết là hổng xong nếu tiếp tục cái đà này, tui la lên cầu cứu nhưng vì ở tuốt trong sâu, hổng ai nghe. Hai chưn bị trăn cột xiết rồi, tui ngã xóng xoài - chuyện đi thăm ông bà sớm là cầm chắc trong tay. Hai chưn đã tê cứng. Chợt nghĩ tới Tía và Má, tui như bừng tỉnh và quơ đại cái cặp táp. Đang dùng cái cặp táp da đập vô đầu con trăn, cây viết văng ra. Tui dùng cây viết đâm túi bụi vào đầu vào mắt con trăn. Đâm hết mắt này rồi đâm qua mắt kia. Chắc là bị tui đâm khá sâu vào mắt, con trăn tự nhiên nhả chưn ra, lăn lộn, hổng xiết nữa, và bò đi nơi khác. 

Hôm đó về, Má khóc nhiều lắm. Má cứ lẩm bẩm cám ơn ông bà che chở. Má nói là cái số tui chưa rụng. Tía tới vườn mía hoang và bắt được con trăn  bự bà chảng. Đem ra chợ bán thịt được gần hai chục đồng. Lúc đó 1 lượng vàng chỉ có 65 đồng. Tía nói sẽ dùng tiền này cho tui khi đi học xa, hay lúc cưới vợ. Tía cấm hổng được đi vô rừng mía đó nữa. Nói cho cùng, sau cái vụ trăn quấn thì có cho tiền tui cũng hổng dám vô.

Tui học ạch đụi tới năm 15 tuổi mới học xong lớp Nhứt. Thấy tui học chậm, Tía cho tui ở nhà phụ làm rẫy. Mùa hè năm sau nhóm trẻ tụi tui đá banh thắng nhóm bên cồn Cát 3-2. Tui đá vô “gôn” luôn 2 trái trong vài phút chót vì tui chạy lẹ lắm. Được 80 đồng phần thưởng, tui dẫn "đội banh nhà" ra chợ ăn gỏi đu đủ và uống nước mía. 

Thắm, cô bán nước mía, nhận ra tui, nhưng tui hổng nhận ra cổ. Hỏi ra mới hay là tui học cùng lớp với Thắm 6 năm trước. Cổ khác hẳn lúc còn nhỏ ốm nhom, đen thui . Thắm giờ có da có thịt, da bánh mật, nói chuyện có duyên, và biết buôn bán. 

Sau lần đó, tụi tui kết nhau. Đưa Thắm về nhà, Tía và Má mừng lắm. Má nói là Má luôn muốn tui có người anh để giúp đở bảo bọc vì tui chậm chạp và thật thà. Nay có người bạn đời giỏi như Thắm đến với tui, Má vui lắm. Tám tháng sau, tụi tui lập gia đình. Khoảng 1 năm sau khi cưới vợ thì tui phải nhập ngũ.

Chỉ sau vài tháng trong Quân Trường Quang Trung, vì được nhiều sự chú ý của các huấn luyện viên cao cấp bởi tui chạy đua rất mau (chắc vì muốn thắng đá banh để có tiền mua nước mía), và tui bắn súng hết xẩy ( là vì chọi đá bắt chuột, dùng ná bắn chim, bắn bi kiếm tiền mua đồ ăn... hồi nhỏ), tui được huấn luyện đặc biêt để trở thành xạ thủ. 

Khi mãn khóa ở Quang Trung, tui được chuyển đi Kontum với cấp bực binh nhì trong đội Biệt Kích. Nhiệm vụ của tui là trốn trên những đồi cao có nhiều cây, quan sát, truyền tin và bắn tẻ khi được lịnh. Có khi tui đi chung nhóm 3 hay 5 người, và có khi chỉ có mình ên. Thường được thả trên rặng Trường Sơn vào những đêm sương mù dầy đặc. 

Những lúc đi xa, tui nhớ Thắm, nhớ Má và Tía lắm. Cái sướng của công việc này là tui dùng sở trường của mình (chạy mau và bắn giỏi) để phục vụ đất nước. Tui cũng khoái vụ trốn trên núi cao vì hồi nhỏ thích chơi Năm Mười. Xếp tui dặn là bất cứ ai hỏi thì tui phải nói tui là lính kiểng gác kho gạo trên Đà Lạt. 

20 March 2024

Xâu chuỗi các tình tiết xung quanh trường hợp tử vong của bà Angela Chao và sự từ chức của ông Mitch McConnell

 Doanh Doanh biên dịch

H: Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) bước vào phòng họp Thượng viện ở Hoa Thịnh Đốn hôm 28/02/2024. (Ảnh: Nathan Howard/Getty Images) 

Có phải ngẫu nhiên mà ông McConnell từ chức lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện? 

" Rồi còn cả những nhận xét khó hiểu của ông McConnell về sự ra đi của em vợ khi ông tuyên bố từ chức vào ngày 28/02. 

Ông nói: “Có lẽ đó là cách Chúa nhắc nhở chúng ta về hành trình trong cuộc đời của chính mình, để sắp xếp lại ưu tiên cho tác động mà mỗi người chúng ta chắc chắn sẽ để lại trên thế giới này.” 

“Sắp xếp lại ưu tiên cho tác động mà chúng ta sẽ để lại trên thế giới này” có nghĩa là gì? Có phải ông ấy đã từ chức vì thông điệp mà Caixin muốn gửi gắm? 

Hay ông McConnell cần phải hành động trước khi các đồng sự ở Thượng viện ngày càng trở nên bất mãn với khả năng lãnh đạo gần đây của ông? Uy tín của ông đã suy giảm đáng kể sau sự thất bại của thỏa thuận biên giới siêu-bí-mật, và đây là cách để ông giữ được một chút quyền lực trong tám tháng nữa, mặc dù là nắm quyền trong tình trạng bị suy yếu rõ rệt do sắp mãn nhiệm".

Theo báo cáo của các nhân viên ứng cứu đầu tiên thuộc Sở Cứu hỏa Texas, vào hôm 12/02, bà Angela Chao, tên tiếng Hoa là Triệu An Cát, được phát hiện trong trạng thái tử vong trong chiếc Tesla của mình ở tuổi 50. Chiếc xe của bà bị chìm trong ao tại một điền trang tư nhân ở quận Blanco, Texas. Bà Chao là người con thứ sáu và là con gái út của ông trùm vận tải biển người Mỹ gốc Hoa Triệu Tích Thành (James Si-Cheng Chao), người thành lập Foremost Group (Tập đoàn Phúc Mậu) có trụ sở tại New York vào năm 1964. Bà giữ chức vụ giám đốc điều hành của công ty từ năm 2018 và là thành viên sáng lập của tổ chức Quỹ Người Mỹ Gốc Á (TAAF). 

Hôm 28/02, Lãnh đạo Thiểu số 82 tuổi của Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) đã tuyên bố ý định từ chức vị trí lãnh đạo vào tháng Mười Một năm nay. 

Bà Angela Chao là em gái của vợ ông Mitch McConnell, và đã có nhiều suy đoán về hai sự kiện dường như không liên quan này. Ngoài mối quan hệ họ hàng, giữa hai người họ còn có mối liên hệ nào khác không? Chúng ta hãy thảo luận về chủ đề này. 

Bà Angela Chao

Theo một bản tin của MSN, bà Angela Chao sống ở Austin, Texas và “làm việc trong hội đồng quản trị của các tập đoàn Mỹ và Trung Quốc, gồm Cục Vận chuyển Hoa Kỳ (ABS), Ngân hàng Trung Quốc (BOC), và một công ty cổ phần của Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc (CSSC).” Mối liên hệ của bà với Trung Quốc là rất lớn, đặc biệt với vai trò là cựu chủ tịch Ủy ban Quản lý và Rủi ro Hoa Kỳ của Ngân hàng Trung Quốc tại Hoa Kỳ, giám đốc một công ty cổ phần của Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc và cựu phó chủ tịch Hội đồng Ngoại thương Trung Quốc. Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc đóng tàu cho Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân trong khi Hội đồng Ngoại thương Trung Quốc là một nhóm quảng bá do Bắc Kinh thành lập để xúc tiến thương mại cho Trung Quốc trên toàn thế giới. Tại sao ĐCSTQ lại tin tưởng bà Angela Chao đến vậy? 

Cha của bà Angela Chao, ông Triệu Tích Thành, duy trì mối quan hệ với các cấp cao nhất của ĐCSTQ. Như được lưu ý ở đây, ông “phát triển mối quan hệ thân thiết với ông Giang Trạch Dân, một bạn học cũ ở Thượng Hải,” người sau này trở thành tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và là nhà lãnh đạo cộng sản thứ năm của Trung Quốc từ năm 1993 đến năm 2003. Sự nổi lên của Foremost Group phản ánh sự trỗi dậy của ông Giang trong hệ thống cấp bậc của ĐCSTQ. Không có gì là trùng hợp ngẫu nhiên cả. 

Cuối cùng, theo China Insights, gia đình Chao “được biết đến là ‘gia đình người Mỹ gốc Hoa đầu tiên’ trong giới Hoa kiều ở hải ngoại,” và ông Triệu Tích Thành được mệnh danh là “vua tàu Trung Quốc.” Đây là một danh hiệu rất xứng đáng. 

Ông Mitch McConnell

Lãnh đạo Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện Mitch McConnell sẽ từ chức vào tháng Mười Một năm nay. Ông là lãnh đạo đảng tại vị lâu nhất trong lịch sử Thượng viện Hoa Kỳ. Ông được bầu vào Thượng viện Hoa Kỳ lần đầu tiên vào năm 1985 và trở thành lãnh đạo phe thiểu số của Đảng Cộng Hòa vào năm 2007 và sau đó là lãnh đạo phe đa số vào năm 2015 trước khi trở lại vị trí lãnh đạo phe thiểu số vào năm 2021. Vào tháng 02/1993, ông kết hôn với người vợ thứ hai là bà Elaine Chao (Triệu Tiểu Lan). Cùng nhau, họ trở thành một cặp đôi quyền lực chính trị quan trọng ở Hoa Thịnh Đốn, với việc bà Chao từng giữ chức Bộ trưởng Lao động [trong chính phủ Tổng thống George W. Bush] từ năm 2001 đến năm 2009, và Bộ trưởng Giao thông Vận tải [trong chính phủ Tổng thống Trump] từ năm 2017 đến năm 2021. 

Trong cuốn sách năm 2018 của mình, “Những Đế chế Bí mật: Cách Giai tầng Chính trị Mỹ Che giấu Tham nhũng và Làm giàu cho Gia đình và Bè bạn” (Secret Empires: How the American Political Class Hides Corruption and Enriches Family and Friends), ký giả điều tra Peter Schweizer đã lưu ý rằng ông McConnell từng có lập trường cứng rắn với Trung Quốc cộng sản trước khi kết hôn với bà Elaine Chao. Lập trường đó dường như đã thay đổi chỉ một năm sau cuộc hôn nhân của họ, khi vào năm 1994, dưới sự sắp xếp của cha vợ là ông Triệu Tích Thành, ông McConnell đã gặp lãnh đạo ĐCSTQ đương thời Giang Trạch Dân và Phó Thủ tướng Lý Lan Thanh (Li Lanqing) theo lời mời của Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc. Tờ New York Post đưa tin cho biết, ông Schweizer khẳng định trong cuốn sách của mình rằng ông McConnell “sẽ ngày càng tránh công khai chỉ trích Trung Quốc” khi các cuộc gặp gỡ và viếng thăm tiếp theo được tiến hành trong nhiều năm. Có lẽ sự thay đổi đó được tạo thuận lợi nhờ những “món quà” trị giá hàng triệu dollar mà ông Triệu dành cho gia đình ông McConnell vào năm 2008, khiến giá trị tài sản ròng của ông McConnell tăng lên gần gấp 10 lần. 


H: Thượng nghị sĩ Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) tham gia một buổi luyện tập tuyên thệ khi vợ ông, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Elaine Chao, cầm một cuốn Kinh Thánh, trong Phòng Thượng viện Cũ tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn hôm 03/01/2021. (Ảnh: Kevin Dietsch/Pool/AP) 

Theo ghi nhận của ông Schweitzer, những món quà khác của ông McConnell cho Trung Quốc trong những năm qua gồm những hành động sau đây: 

Ông biện minh cho Trung Quốc cộng sản trong các hành động chống lại Hồng Kông và Đài Loan. 

Ông tuyên bố rằng “Hoa Kỳ cần phải ‘mơ hồ’ về việc liệu chúng ta có đến bảo vệ nếu Đài Loan bị Trung Quốc tấn công hay không.” 

Khi trạng thái tối huệ quốc của Trung Quốc với Hoa Kỳ cần được gia hạn, ông đã đồng bảo trợ cho dự luật S.2277, vốn hủy bỏ yêu cầu rằng Trung Quốc phải chứng minh sự tiến bộ về nhân quyền sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. 

Về phần mình, khi còn là Bộ trưởng Lao động, bà Elaine Chao đã phản đối một kiến nghị chống lại Trung Quốc về vấn đề quyền của người lao động theo Đạo luật Thương mại Hoa Kỳ năm 1974, đồng thời chỉ trích một báo cáo Quốc hội của lưỡng đảng cho rằng Trung Quốc đang tiến hành hoạt động gián điệp chống lại Hoa Kỳ. 

Là một thành viên Đảng Cộng Hòa ôn hòa, ông McConnell đã bất đồng với Tổng thống theo chủ nghĩa dân túy Donald Trump về nhiều vấn đề chính sách, bao gồm các mức thuế quan với Trung Quốc và việc đóng cửa biên giới, thậm chí còn đe dọa sẽ đàn hặc tổng thống nếu ông ân xá cho ông Julian Assange trong những giờ cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống, như ông Tucker Carlson đã đưa tin. 

Những điểm trùng hợp và nghi vấn